Trong thế giới đầy biến động hiện nay, không thể phủ nhận vai trò của người lãnh đạo trong việc định hình sự thành công của các tổ chức và doanh nghiệp. Những người này không chỉ là những cá nhân có khả năng điều hành, mà còn là những người có tầm nhìn xa, khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi và khả năng kết nối và truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình. Hãy cùng tìm hiểu những kỹ năng cốt lõi giúp tạo nên sự thành công cho những người lãnh đạo.
Một số vị lãnh đạo có sức ảnh hưởng với thế giới
Một số nhà lãnh đạo hiện nay đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử, ảnh hưởng không chỉ trong tổ chức mà còn trên toàn thế giới. Những ví dụ điển hình:
Reshma Saujani
Saujani là Luật Sư và Chính Trị Gia người Mỹ, đồng thời là nhà sáng lập của Girls Who Code – tổ chức thúc đẩy việc đào tạo công nghệ (chủ yếu là lập trình) cho phụ nữ. Girls Who Code đã thiết lập trại công nghệ tại 42 bang của Mỹ với hơn 10000 người tham gia. Saujani được coi là người đi đầu trong việc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc
Tim Cook
Là CEO của công ty có giá trị nhất thế giới – Apple. Thay thế Steve Jobs vào năm 2011, Cook đã giúp Apple vượt qua những khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi sau khi Jobs ra đi, cùng Apple đạt các bước tiến mới trong phát triển các dòng sản phẩm mới và mở rộng thị trường sang Trung Quốc.
Sheryl Sandberg
Đã từng là COO (Giám đốc vận hành) của Facebook từ 2008 tới 2022. Bà cũng đồng thời lập quỹ Lean In (được đặt tên theo cuốn sách bán chạy nhất của mình) – là quỹ hỗ trợ và xây dựng cộng đồng trong cho phụ nữ phát triển bản thân nhằm đạt được những ước mơ của họ.
Bob Iger
Là chủ tịch và cựu CEO của Disney. Ông là người đã giúp Disney trong việc thâu tóm những công ty lớn trong lĩnh vực giải trí như Marvel, Pixar và gần đây là Lucas Films. Ông cũng giúp mở rộng thị trường công viên giải trí của Disney sang Thượng Hải và Hongkong.
Reed Hastings
Hastings là nhà đồng sáng lập và CEO của Netflix – vốn dĩ ban đầu là công ty cung cấp dịch vụ cho thuê DVD dưới dạng thuê bao tháng đã thành công chuyển đổi hoàn toàn sang dịch vụ phát trực tuyến, một sự kiện gây chấn động giới giải trí kỹ thuật số. Hastings cũng sử dụng sự ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sự thay đổi và cải cách trong hội đồng giáo dục tiểu bang California.
Mary Barra
Hiện là chủ tịch và CEO của GM (General Motors), trước đó là phó chủ tịch điều hành phát triển sản phẩm toàn cầu, mua sắm và quản lý chuỗi cung ứng. Là người đấu tranh cho xe điện trong thị trường ô tô, năm 2016 bà cho ra mắt Chevrolet Bolt EV với thời gian sử dụng pin lâu hơn Tesla. Năm 2017, bà cũng được bầu vào hội đồng quản trị của Disney với sự đánh giá cao từ Bob Iger.
Steve Jobs
Một trong những ví dụ điển hình về lãnh đạo trong thời đại hiện đại là Steve Jobs, người đồng sáng lập và cựu CEO của Apple. Jobs được biết đến với phong cách lãnh đạo có tầm nhìn, sáng tạo, giúp Apple tạo ra những sản phẩm cách mạng nhất trong lịch sử công nghệ, như Macintosh, iPod, iPhone và iPad.
Jobs không chỉ là một nhà phát minh xuất sắc, mà còn là một bậc thầy trong việc giao tiếp. Ông có khả năng kể chuyện hấp dẫn, thu hút khán giả và có một lượng fan hâm mộ trung thành. Ông cũng có một tầm nhìn rõ ràng về những gì mình muốn đạt được, và không ngừng theo đuổi mục tiêu của mình. Ông không sợ thách thức, ưa mạo hiểm và luôn học hỏi từ những thất bại.
Tuy nhiên, Jobs không phải là một nhà lãnh đạo hoàn hảo. Ông cũng nổi tiếng với việc đòi hỏi cao, thiếu kiên nhẫn và đôi khi là tàn bạo. Ông thường xuyên xung đột với đồng nghiệp, đối tác và các đối thủ cạnh tranh. Ông cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như bị loại khỏi Apple vào năm 1985, chiến đấu với căn bệnh ung thư và đối mặt với các tranh cãi về chế độ cho người lao động và các vấn đề môi trường.
Mặc dù có những nhược điểm, không thể phủ nhận một điều: Jobs là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng và thành công nhất của thời đại chúng ta. Ông để lại một di sản về sáng tạo, tinh thần sáng tạo xuất sắc, đã và đang truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.
Điều gì tạo nên một người lãnh đạo thành công?
Ai cũng có thể được đặt vào vị trí lãnh đạo, nhưng không phải ai cũng có thể thành công ở vị trí lãnh đạo, điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo giỏi và kỹ năng lãnh đạo là gì vẫn đang được tranh luận rộng rãi. Trên thực tế, không một người lãnh đạo nào có thể đúng trong mọi hoàn cảnh và một trong những đặc điểm chính của những nhà lãnh đạo giói là sự linh hoạt và khả năng thích ứng với hoàn cảnh và sự thay đổi.
Lãnh đạo là khả năng gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng và động viên người khác để đạt được một mục tiêu chung, một số môi trường học thuật ở Hoa Kỳ định nghĩa khả năng lãnh đạo là “một quá trình gây ảnh hưởng xã hội trong đó một người có thể tranh thủ sự giúp đỡ và hỗ trợ của người khác để hoàn thành một nhiệm vụ chung và có tính đạo đức”. Kỹ năng lãnh đạo là không thể thiếu đối với bất kỳ ai muốn thành công trong cuộc sống cá nhân và công việc của mình. Nhưng lãnh đạo không phải là một kỹ năng duy nhất, mà là sự kết hợp của nhiều kỹ năng cốt lõi, có thể kể đến bao gồm:
Kỹ năng xây dựng quan hệ
Một số nhà lãnh đạo cho rằng: Họ không cần được yêu mến ở nơi làm việc để thành công. Điều này có thể đúng, nhưng để xây dựng đội ngũ gắn kết, các nhà lãnh đạo cần tạo dựng mối quan hệ bền chặt với nhân viên của mình. Theo báo cáo của Gallup: doanh nghiệp hoặc bộ phận có sự gắn kết tốt giúp giảm 41% nguy cơ sai sót về chất lượng, năng suất tăng hơn 21%.
Khả năng thích ứng
Năm 2024, khả năng thích ứng là một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất. Các nhà lãnh đạo phải đối mặt với môi trường kinh doanh siêu cạnh tranh, các yếu tố địa chính trị, biến đổi khí hậu, những thay đổi do đại dịch COVID-19 gây ra cùng nhiều yếu tố khác đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải thích nghi và phát triển sự linh hoạt của mình.
Các nhà lãnh đạo phải thích ứng với các thay đổi bên trong và bên ngoài ngay cả khi việc thay đổi đó làm cho họ phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, việc phát triển tinh thần học hỏi suốt đời để không bị bỏ lại phía sau trước những thay đổi trong ngành và tận dụng hiểu biết, kiến thức để mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp là thiết yếu.
Đổi mới và sáng tạo
Sự đổi mới là vô cùng quan trọng với mọi doanh nghiệp. Đổi mới thành công bắt đầu từ ý tưởng – xây dựng một văn hoá khuyến khích việc trình bày ý tưởng và là tấm gương trong đổi mới, sáng tạo sẽ giúp những nhà lãnh đạo tạo nên những đột phá cho doanh nghiệp.
Apple – với tinh thần đổi mới hướng tới khách hàng của mình dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs và Tim Cook đã luôn tạo ra những sản phẩm đột phá và vượt lên trước các đối thủ của mình.
Tạo động lực cho nhân viên
Có mối liên hệ chặt chẽ với xây dựng quan hệ, khả năng tạo động lực cho nhân viên quan trọng không kém việc duy trì mức độ gắn kết. Việc tạo đọng lực cho nhân viên đòi hỏi người lãnh đạo phải có sự kết nối và chú ý đến những gì đang diễn ra xung quanh họ. Những nhân viên được tạo động lực sẽ gắn kết với doanh nghiệp hơn rất nhiều, họ cũng tự tin hơn vào những gì họ làm và có thể làm, sẵn sàng đối mặt với những thử thách / khó khăn mới và luôn sẵn sàng chia sẻ ý tưởng và đóng góp của mình với nhóm làm việc và với người lãnh đạo.
Ra quyết định
Người lãnh đạo là người có nhiệm vụ đưa ra quyết định, trong công việc hàng ngày những quyết định có thể nhỏ trong nội bộ nhóm, có thể lớn mang tầm ảnh hưởng đến tổ chức. Đưa ra quyết định dù lớn hay nhỏ, nhà lãnh đạo đều cần có trách nhiệm và có niềm tin với các quyết định của mình, nhà lãnh đạo cũng cần phải có sự nhận biết và điều chỉnh kịp thời khi những quyết định đó không mang lại hiệu quả mong muốn.
Xử lý xung đột
Theo Hiệp Hội Quản lý Hoa Kỳ (American Management Association), các nhà quản lý dành 24% thời gian để quản lý xung đột. Xung đột được xem là bất kỳ vấn đề nào giữa hai hoặc nhiều cá nhân có khả năng làm gián đoạn công việc. Xung đột trong kinh doanh có thể vượt ra ngoài nơi làm việc vì nó có thể liên quan đến khách hàng, nhà cung cấp hoặc thậm chí là đối thủ cạnh tranh.
Nhà lãnh đạo phải có khả năng can thiệp và giải quyết hoặc ít nhất giảm thiểu xung đột trước khi nó ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả, bạn phải giỏi trong việc xác định nguyên nhân và cách giải quyết xung đột và phải luôn lý trí khi đổi mặt với sự đối đầu.
Khi xung đột được giải quyết đúng cách, nó thậm chí có thể trở nên tích cực cho doanh nghiệp vì nó thường dẫn đến những mối liên kết bền chặt hơn hoặc những ý tưởng mới.
Đàm phán
Đàm phán là quá trình trong đó hai bên có lý tưởng khác nhau gặp và cùng thống nhất về các kết quả sẽ đạt được. Quá trình đàm phán bao gồm 6 giai đoạn:
- Chuẩn bị
- Thảo luận
- Làm rõ mục tiêu
- Đám phán hướng tới kết quả đôi bên cùng có lợi
- Thống nhất
- Triển khai hành động
Các cuộc đàm phán tốt có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vì chúng sẽ xây dựng các mối quan hệ tốt hơn cả bên trong lẫn bên ngoài. Với tư cách là người lãnh đạo, đàm phán được sử dụng để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp với nhân viên và với khách hàng, đối tác.
Tư duy phản biện
Lãnh đạo là công việc khó khăn và áp lực. Nghiên cứu của Brandon Hall Group cho thấy tư duy phản biện là kỹ năng quan trọng nhất cần có của các nhà lãnh đạo để thành công.
Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ rõ ràng, đồng thời xây dựng sự kết nối logic giữa các ý tưởng. Những người có tư duy phản biện thường là người ra quyết định thông minh, có khả năng phân tích và luôn lý trí. Tư duy phản biện có thể học và thường bao gồm 3 bước:
- Đóng khung: Các phần đề phức tạp thường không xuất hiện ngay khi tiếp cận. Để hiểu rõ hơn về những gì mình đang đối mặt, các nhà lãnh đạo thường đặt 1 câu hỏi “Vấn đề tôi gặp phải là gì?”
- Tìm hiểu: Đừng dựa vào trực giác. Cho dù bạn có tin tưởng vào khả năng phán đoán của mình đến mức nào đi chăng nữa, nếu bạn chỉ dựa hoàn toàn vào bản năng của mình, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Thay vào đó, hãy khám phá các giải pháp tiềm năng. Nghĩa là, hãy tự hỏi “Tôi có thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách nào?”
- Quyết định: Trong hầu hết các trường hợp, một giải pháp có thể vượt trội hơn tất cả các giải pháp khác về tất cả các thuộc tính. Để đưa ra quyết định, hãy trả lời câu hỏi của bạn, “Tôi nên giải quyết vấn đề của mình như thế nào?” Hãy nêu ra những sự đánh đổi cho mỗi giải pháp, xác định những gì bạn sẵn sàng “cho đi” để “nhận lại”.
3 bước trên là một vòng lặp. Thông thường, những người có tư duy phản biện sẽ đặt câu hỏi nghiêm ngặt về các ý tưởng và giả định, họ sẽ luôn tìm cách xác định xem liệu các ý tưởng, lập luận và phát hiện đó có phản ánh đúng vấn đề hay không và thường có khả năng nhận ra sự mâu thuẫn và sai sót trong lý luận để đạt được kết quả mong muốn.
Làm thế nào để phát triển kỹ năng lãnh đạo?
Phát triển kỹ năng lãnh đạo của bạn không phải là việc làm trong một lần, mà là một quá trình liên tục đòi hỏi sự cam kết, thực hành và sự phản hồi. Dưới đây là một số gợi ý về cách phát triển kỹ năng lãnh đạo của bạn:
- Đánh giá mức độ kỹ năng lãnh đạo hiện tại của bạn: Bạn có thể sử dụng các công cụ và phương pháp khác nhau để đánh giá điểm mạnh và điểm cần cải thiện của bạn, như các bảng câu hỏi tự đánh giá, phản hồi 360 độ, đánh giá hiệu suất, hoặc các buổi tư vấn. Ví dụ: Bạn có thể tham khảo bản tự đánh giá Leadership Self-Assessment của Purdue University để đánh giá khả năng lãnh đạo của mình.
- Đặt ra mục tiêu cụ thể và thực tế cho sự cải thiện: Dựa trên kết quả đánh giá, bạn có thể xác định những kỹ năng quan trọng nhất mà bạn muốn tập trung cải thiện, và đặt ra mục tiêu theo phương thức SMART (Specific – Cụ thể, Đo lường được, Đạt được, Liên quan và Thời gian giới hạn) cho mỗi kỹ năng.
- Tìm kiếm cơ hội học tập và tài nguyên: Bạn có thể tìm thấy nhiều cách khác nhau để học và cải thiện kỹ năng của mình, như đọc sách báo, tìm kiếm trên Youtube, nghe podcast, tham gia các khóa học và hội thảo trực tuyến, tham gia câu lạc bộ và mạng lưới, hoặc tìm kiếm các mentor hoặc coach.
- Áp dụng kỹ năng của bạn trong các tình huống thực tế: Bạn có thể thực hành và kiểm tra kỹ năng của mình trong các ngữ cảnh và tình huống khác nhau, như lãnh đạo một dự án, trình bày, đàm phán một thỏa thuận, hoặc hướng dẫn một đồng nghiệp.
- Phản ánh về kinh nghiệm và kết quả của bạn: Bạn có thể xem xét và phân tích các hành động và kết quả của mình, và xác định những điều đã hoạt động tốt và điều gì không, và những gì bạn đã học và bạn có thể làm tốt hơn lần tới.
- Tìm kiếm và chấp nhận phản hồi: Bạn có thể yêu cầu và lắng nghe phản hồi từ người khác, như đồng nghiệp, quản lý, khách hàng, hoặc cố vấn, và sử dụng nó để cải thiện kỹ năng và hiệu suất của mình.
Tài nguyên để tự tìm hiểu thêm về kỹ năng lãnh đạo
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về kỹ năng lãnh đạo, dưới đây là một số tài nguyên hữu ích mà bạn có thể tham khảo:
- Sách:
- The 7 Habits of Highly Effective People của Stephen R. Covey
- How to Win Friends and Influence People của Dale Carnegie
- The 21 Irrefutable Laws of Leadership của John C. Maxwell
- Start with Why của Simon Sinek
- Good to Great của Jim Collins
- Các khóa học trực tuyến:
- Leadership and Management của Coursera
- Developing Your Personal Leadership Style của edX
- Leading with Emotional Intelligence của LinkedIn Learning
- Leadership: Practical Leadership Skills của Udemy
- Podcast:
- The Tim Ferriss Show của Tim Ferriss
- The School of Greatness của Lewis Howes
- The Tony Robbins Podcast của Tony Robbins
- The Leader’s Panel của The Leadership Institute
- HBR IdeaCast của Harvard Business Review
Kết bài
Kỹ năng lãnh đạo là rất quan trọng đối với bất kỳ ai muốn tạo ra sự khác biệt tích cực cho bản thân và doanh nghiệp của mình. Bằng cách học và áp dụng những kỹ năng cốt lõi cho một người lãnh đạo, bạn có thể trở thành một người tự tin và có ảnh hưởng hơn nhằm mang lại những điều tốt đẹp hơn cho bản thân mình và những người xung quanh.