You are currently viewing AI là gì? AI đang được ứng dụng như thế nào?

AI là gì? AI đang được ứng dụng như thế nào?

AI là gì – Có lẽ đây là một câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra mặc dù được nghe rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. AI viết tắt của Artificial Intelligence, về cơ bản nó mô tả khả năng mô phỏng các hoạt động cần đến trí thông minh của con người của máy tính – ví dụ: hiểu và nhận diện giọng nói, nhận diện và xử lý hình ảnh, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu lịch sử và dữ liệu thời gian thực… Nó giống như một con robot có thể suy nghĩ, học và ra quyết định như con người.

Những dấu mốc phát triển của AI

Hãy cùng điểm qua 1 số dấu mốc lịch sử trong sự phát triển của AI:

  • Năm 1950, Alan Turing – nhà khoa học máy tính và toán học nổi tiếng thế giới đã đưa ra một bài kiểm tra, bài kiểm tra thực hiện bằng cách: 1 người sẽ đưa ra 1 loạt các câu hỏi cho 2 ứng viên (1 là người thật và 1 là máy), dựa trên câu trả lời của 2 ứng viên, người kiểm tra sẽ đưa ra kết luận kết quả nào của người và kết quả nào của máy.
  • Cha đẻ của thuật ngữ AI – John McArthy: John McCarthy là nhà khoa học máy tính người Mỹ, ông đã đặt ra thuật ngữ Trí Tuệ Nhân Tạo trong hội nghị Dartmouth – hội nghị về AI đầu tiên được tổ chức năm 1956. Ông cũng là người tạo ra ngôn ngữ máy tính Lisp vào năm 1958, ngôn ngữ được xem là ngôn ngữ lập trình AI tiêu chuẩn.
  • Robot công nghiệp đầu tiên ra đời (1961): Unimate là robot công nghiệp đầu tiên, được tạo bởi George Devol. Devol đã sử dụng dây chuyền lắp ráp của General Motors để vận chuyển khuôn đúc và hàn các bộ phận của robot. Unimate là robot có cánh tay nặng tới 4000 pound (khoảng 1815 kg). Sau sự ra đời của Unimate, một vài phiên bản mô phỏng và một số thế hệ robot công nghiệp đã được ra đời.
  • Chatbot đầu tiên – Eliza (1964): Eliza được phát minh vào năm 1960 bởi Joseph Wiezenbaum tại phòng thí nghiệm AI của MIT. Elize được ra đời với mục tiêu là robot trị liệu tâm lý, cung cấp những tương tác đã được lập trình sẵn cho người bệnh, giúp họ cảm thấy mình đang nói chuyện với một người hiểu vấn đề của mình
  • Robot Shakey (1969): Là robot di động đầu tiên có thể cảm nhận được môi trường xung quanh và giao tiếp bằng tiếng Anh thông thường
  • Mùa Đông AI (những năm 1970): Đây là thời kỳ các nguồn tài trợ và sự quan tâm dành cho trí tuệ nhận tạo bị giảm sút sau những thất vọng và chỉ trích về AI của thế giới.
  • Năm 1997, Deep Blue – một máy tính được thiết kế để chuyên chơi cờ vua đã dành chiến thắng trước nhà vô địch thế giới Garry Kasparov, sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến lịch sử trong việc phát triển các siêu máy tính mô phỏng trí tuệ của con người.
  • 1998: Kismet – robot đầu tiên có thể thể hiện các tương tác xã hội và cảm xúc với con người được ra đời.
  • 2008: Siri ra đời với khả năng nhận diện giọng nói và phản hồi lại khẩu lệnh của con người.

Những ứng dụng của AI là gì?

Sau năm 2008, cuộc đua về phát triển các ứng dụng AI cũng đã nổ ra, AI ngày càng thông minh hơn, được ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống và kinh doanh nhằm trợ giúp và tiến đến thay thế con người trong một số công việc.

Những ứng dụng của AI trong cuộc sống hàng ngày

AI ngày càng hiện diện nhiều trong cuộc sống, đóng vai trò trợ lý và hỗ trợ cho chúng ta trong các hoạt động hàng ngày, hãy cùng điểm qua những ví dụ sau về ứng dụng của AI:

Tìm đường và và dẫn đường

AI giúp cải thiện đáng kể thời gian chúng ta dành cho việc đi lại, tìm đường. Google Map và Apple Map ngày càng thông minh và nhiều tiện ích hơn với các tính năng:

  • Đánh dấu địa điểm chúng ta dành nhiều thời gian ở đó: Nhà, Cơ quan…
  • Gợi ý các địa điểm xung quanh
  • Tự tìm đường ngắn nhất, tiết kiệm thời gian nhất dựa trên các tính toán về khoảng cách, tình trạng giao thông
  • Dẫn đường thời gian thực

Nhận diện lỗi và Tự động sửa lỗi chính tả

Các thuật toán AI như machine learning, deep learning và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) được sử dụng để phát hiện các lỗi chính tả và đề xuất sửa lỗi cho người dùng.

Nhận diện khuôn mặt

Sử dụng khuôn mặt để mở khoá thiết bị hoặc sử dụng các phần mềm để hoạt hình hoá khuôn mặt, áp các mặt nạ vui nhộn vào khuôn mặt của mình… Đó là các ví dụ trong việc sử dụng AI trong việc nhận diện hình ảnh khuôn mặt.

Đề xuất thông tin và sản phẩm

Các thuật toán tìm kiếm và đề xuất được ứng dụng để nhằm hỗ trợ bạn trong việc tìm kiếm thông tin, bộ phim, ca khúc, sản phẩm phù hợp:

  • Khi bạn thực hiện tìm kiếm trên Google, Google có thể đưa ra các gợi ý tìm kiếm dựa trên từ hoặc cụm từ bạn nhập vào.
  • Khi bạn sử dụng Netflix hoặc Spotify, những bộ phim hoặc ca khúc được đề xuất tới bạn dựa trên các đặc tính mà hệ thống thu thập được về bạn như: Giới tính, độ tuổi, sở thích…
  • Khi bạn vào các trang thương mại điện tử: Dựa trên những thông tin lịch sử truy cập của bạn, những thông tin bạn cung cấp, hệ thống sẽ đưa ra những đề xuất sản phẩm phù hợp với bạn.
  • Dựa vào lịch sử tập luyện của bạn được thu thập bởi các thiết bị, các ứng dụng sức khoẻ có thể đưa ra những gợi ý về các bài tập cùng các chế độ dinh dưỡng để giúp người tập đạt kết quả mong muốn nhanh nhất.

Trợ lý ảo

Siri, Google Assistant đã trở nên ngày càng quen thuộc và được nhiều người sử dụng, khả năng hỗ trợ của trợ lý ảo ngày càng được cải thiện giúp người dùng quản lý công việc, tìm kiếm thông tin, thiết lập cuộc gọi, trả lời tin nhắn, giải trí, điều khiển và quản lý các thiết bị nhà thông minh.

Sáng tạo nghệ thuật

Với sự ra đời và bùng nổ của Generative AI trong 2 năm gần đây, con người hoàn toàn có thêm các công cụ để hỗ trợ trong việc sáng tạo nghệ thuật như:

  • Viết văn
  • Tạo ảnh, logo
  • Tạo video

Các công cụ như ChatGPT, Dall-E, Stable Diffusion trở nên rất phổ biến và được ưa chuộng

Chatbot

Với ChatGPT, người dùng hiện tại có thể có thêm 1 “người bạn” biết tuốt, ChatGPT có thể nói chuyện với bạn về mọi chủ đề, giúp bạn tìm kiếm thông tin, kể những câu chuyện cười…

Những ứng dụng của AI trong kinh doanh

Có rất nhiều ứng dụng trong kinh doanh sử dụng AI, theo McKinsey – khoảng 50% đến 60% công ty trên toàn cầu đã triển khai AI. Do AI có thể hoạt động không ngừng nghỉ, chính xác và hiệu quả hơn nên ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận và tìm cách đưa AI vào quy trình nghiệp vụ, quy trình vận hành và quy trình tương tác với khách hàng của họ. Ví dụ về việc doanh nghiệp sử dụng AI trong kinh doanh bao gồm

Tăng chất lượng và hiệu quả dịch vụ khách hàng

Chatbot hoàn toàn có thể thay thế con người trong những nghiệp vụ hỗ trợ và thu thập thông tin khách hàng, với những yêu cầu phúc tạp chatbot có thể chuyển khách hàng tới những nhân viên có kỹ năng phù hợp để chăm sóc khách hàng, ngoài ra với khả năng hoạt động 24/7 thì chatbot đang mang lại khá nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc phân bổ nguồn lực con người sang những nghiệp vụ phức tạp và mang lại lợi nhuận hơn.

Tự động hoá

Mỗi vị trí trong doanh nghiệp đều có ít nhất một vài nghiệp vụ được thực hiện thủ công và lặp đi lặp lại, ví dụ: kiếm tra email, nhập liệu và tạo báo cáo… các công việc lặp đi lặp lại này tiêu tốn khá nhiều thời gian để dành cho những công việc có ý nghĩa và tác động lớn hơn tới kinh doanh. Trung bình 4 tiếng rưỡi mỗi tuần là thời gian con người dành cho những công việc lặp đi lặp lại đó.

AI có thể giúp tự động hoá các công việc lặp đi lặp lại, giúp tiết kiệm thời gian và tối đa năng suất của con người, giảm thiểu các nguy cơ lỗi của con người.

Tăng doanh thu thông qua gợi ý những sản phẩm phù hợp

Doanh nghiệp có thể sử dụng AI để đưa ra đề xuất sản phẩm phù hợp với sở thích của khách hàng, bằng cách theo dõi các hành vi của khách hàng trên web, AI có thể giới thiệu những sản phẩm tương tự mà khách hàng dã xem.

Với những dịch vụ trực tuyến, những nội dung phù hợp với người dùng sẽ được đề xuất nhằm thu hút và giữ chân người dùng lâu hơn.

Phân loại khách hàng

Các bộ phận marketing có thể sử dụng AI để phân loại khách hàng thành các nhóm và tạo các chiến dịch marketing phù hợp với từng nhóm khác nhau.

Phân tích cảm xúc khách hàng

Thông qua việc sử dụng AI và máy học, các công ty thu thập dữ liệu về những cảm nhận của khách hàng về thương hiệu của mình, điều này có thể thực hiện thông qua sử dụng AI quét các bài đăng, đánh giá và xếp hạng trên mạng xã hội, quét các từ khoá trong tương tác với khách hàng… Những thông tin thu thập được qua những phân tích này sẽ giúp công ty thực hiện các cải tiến sản phẩm, dịch vụ.

Phòng tránh gian lận

AI cũng có thể được sử dụng để giúp doanh nghiệp phát hiện và ứng phó với các mối đe doạ gian lận. Đặc biệt trong ngành tài chính, một số công cụ có sẵn giúp xác định các giao dịch đáng ngờ thông qua sử dụng các thuật toán, khi rủi ro gian lận được phát hiện, ứng dụng sẽ dừng giao dịch và cảnh báo cho các bân liên quan.

Các hoạt động dự báo

AI ngày càng có tiềm năng trở thành công cụ dự báo kinh doanh quan trọng. Bằng cách phân tích dữ liệu lịch sử và xác định các mô hình và xu hướng, AI có thể đưa ra dự đoán sát với xu hướng trong tương lai nhằm giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định kinh doanh sáng suốt.

Lời kết

Trên đây là thông tin và một vài ví dụ về cách AI được sử dụng trong cuộc sống và trong các doanh nghiệp. Chúng ta có thể mong đợi ngày càng nhiều ứng dụng sáng tạo hơn nữa xuất hiện trong tương lai, thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Hãy cùng nhau phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm, đảm bảo nó mang lại lợi ích cho mọi người trong xã hội.