You are currently viewing Startup – Các giai đoạn phát triển và gọi vốn

Startup – Các giai đoạn phát triển và gọi vốn

Câu chuyện startup của TaskRabbit

Một đêm muộn năm 2008, Lead Busque Solivan phát hiện ra thức ăn cho chú cún của minh đã hết. Cô không biết rằng, sự kiện đó đã ươm mầm cho sự ra đời của một công ty với định giá tới 50 triệu USD – TaskRabbit.

“Khi tôi nhận ra thức ăn cho chú cún của mình đã hết, tôi lập tức nghĩ đến việc: Phải có cách nào đó để sử dụng điện thoại của tôi và kết nối tới một người nào đó để nhờ họ tới cửa hàng tạp hoá và lấy giúp thức ăn cho tôi, tôi sẵn sàng trả tiền cho việc đó” Busque Solivan nói trong cuộc phỏng vấn với ABC News. “Và khoảnh khắc đó tôi nhận ra mình bắt đầu có sự thôi thúc để biến ý tưởng này thành hiện thực. Tôi biết mình có thể gây dựng nó, và nó có thể giúp ích cho mọi người trên khắp thế giới”

Ý tưởng đó đã được hiện thực hoá thành trang web mang tên RunMyErrand, với 100 người “chạy” việc vặt cho người dùng khắp Boston, Massachusetts.

Thời điểm đó, “nền kinh tế chia sẻ” – một thuật ngữ chung cho các mô hình kinh doanh tạo điều kiện trao đổi hàng hoá/dịch vụ ngang hàng vẫn chưa phổ biến, các ứng dụng như Uber hay Airbnb vẫn chỉ là ý tưởng.

Busque Solivan đã được một người bạn giới thiệu với Scott Griffith – CEO của Zipcar (một trong những công ty đầu tiên hoạt động trong mô hình kinh tế chia sẻ với việc chia sẻ ô tô), sau khi nghe ý tưởng của Solivan, Scott Griffith tỏ ra rất thích và đề nghị hỗ trợ dưới hình thức cung cấp không gian làm việc và hướng dẫn cho Sulivan khởi nghiệp. Một trong những lời khuyên anh đã chia sẻ là hãy đăng ký ý tưởng tới quỹ vườn ươm khởi nghiệp của Facebook – fbFund, Sulivan đã nằm lấy cơ hội và được chấp nhận, sau đó cô chuyển tới bờ Tây để phát triển việc kinh doanh của mình.

Trong thời gian đó, Solivan đã huy động được 1,8 triệu USD vốn tài trợ ban đầu và gặp doanh nhân kiêm tác giả Tim Ferriss – người về sau đã trở thành nhà tư vấn và hướng dẫn (mentor) cho Sulivan. Ferris cũng giới thiệu Sulivan với nhà đầu tư đầu tiên – Ann Miura-Ko thuộc quỹ Floodgate Venture Capital.

Những năm tiếp theo đánh dấu sự sự phát triển mạnh của RunMyErrand và Solivan đã đổi tên RunMyErrand sang TaskRabbit. Một năm sau, cô đã bảo vệ thành công vòng gọi vốn Series A với 5 triệu USD đầu tư vào TaskRabbit, công ty đã tăng từ 100 “runner” ở 1 thành phố lên 2000 “tasker” ở 5 thành phố.

Sau khi thành công gọi vốn Series B với 17,8 triệu USD, Solivan đối mặt với thách thức mới: Phải có mặt trên chợ ứng dụng của Apple (Apple’s App Store). Cô đã thuê đội ngũ phát triển phần mềm và tạo phiên bản TaskRabbit dựa trên phiên bản web hiện tại. Để kiểm định ứng dụng, Solivan đã quyết định ra mắt ứng dụng TaskRabbit tại London – một thị trường hoàn toàn mới – trong khi TaskRabbit vẫn hoạt động với phiên bản web tại Mỹ.

“Điều này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi”, Solivan trả lời trong cuộc phỏng vấn với Computer History Museum. “Tôi rất vui vì đã làm điều đó (TaskRabbit mobile app), vì sản phẩm tại London đã hoạt động rất tốt (vì là thị trường hoàn toàn mới). Khi chúng tôi quyết định triển khai nó ở thị trường Mỹ vốn có sẵn hàng triệu khách hàng và 50.000 tasker – thì đó lại là một thảm hoạ”

Sự chuyển hướng từ nền tảng web sang nền tảng ứng dụng di động đã gây cho khách hàng nhiều khó chịu và bối rối, thế nhưng Solivan đã dựa vào sự ra mắt thành công tại London để vượt qua. Các tasker được đào tạo lại về giao diện người dùng, thu hút được thêm khách hàng và tasker mới, đồng thời mức độ hài lòng của khách hàng cũng dần được khôi phục sau sự sụt giảm từ khi chuyển hướng sang ứng dụng mới.

TaskRabbit từ đó đã mở rộng ra 9 quốc gia với hơn 75 thành phố. Nó được mua lại bởi IKEA vào tháng 9 năm 2017, IKEA đã sử dụng nó để cung cấp dịch vụ lắp ráp đồ nội thất bên cạnh các dịch vụ ban đầu. Solivan hiện tại là nhà đầu tư mạo hiểm tại Fuel Capital, tập trung vào hỗ trợ các doanh nhân có ý tưởng đột phá như Griffith, Ferriss và Miura-Ko đã hỗ trợ cô trước kia.

Câu chuyện về Solivan và TaskRabiit đã minh hoạ vòng đời điển hình của một startup. Vậy, đó là những giai đoạn nào?

Các giai đoạn của một startup

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc các giai đoạn của startup, tuy nhiên theo đánh giá của người viết để đẩy đủ nhất thì theo Basel Area: Có 6 giai đoạn bao gồm Pre-Seed, Seed, Early, Growth, Expansion, Exit.

6 giai đoạn của startup

Giai đoạn Pre-Seed (Tiền hạt giống)

Đây là giai đoạn nền móng của Startup, giai đoạn này chủ yếu là các công việc lên ý tưởng, thử nghiệm và phân tích các cơ hội trên thị trường. Mục tiêu là đánh giá và xác định sản phẩm và dịch vụ do Startup lên ý tưởng có giải quyết một vấn đề thực sự nào đó của thị trường hay không? 

Theo CBInsighsReport, 35% startup thất bại do sản phẩm / dịch vụ của họ không được thị trường cần tới, do vậy giai đoạn này các startup cần tập trung tìm hiểu và lắng nghe nhu cầu của thị trường để xác định ý tưởng nào là có nhu cầu thực tế.

Giai đoạn Seed (Hạt giống)

Ở giai đoạn này, startup đã thu thập đủ dữ liệu để chứng minh sản phẩm và dịch vụ của mình là có nhu cầu từ thị trường.

Giai đoạn này, các startup bắt đầu thực hiện gọi vốn để biến ý tưởng thành hoạt động kinh doanh. 

Các sản phẩm mẫu và trải nghiệm dịch vụ được triển khai để thử nghiệm.

Theo khảo sát của Skynova năm 2022, 47% startup thất bại do thiếu hụt tài chính, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất với startup khi phải chứng minh được khả năng thành công của mình trước các nhà đầu tư, các nhà đầu tư có thể là “tiền túi”, “gia đình” thế nhưng cũng có thể là những nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm và họ cần thấy tiềm năng ở startup để có thể tạo ra lợi nhuận cho họ trong tương lai.

Giai đoạn Early (Sớm)

Giai đoạn này còn được gọi là Series A. Theo VentureBeat, chỉ 7.5% số công ty vượt qua được giai đoạn hạt giống để tới giai đoạn này. Startup giai đoạn này cần thực hiện việc gọi vốn từ các quỹ mạo hiểm.

Thành công ở giai đoạn này chỉ có thể đạt được khi startup đã có sản phẩm khả dụng ở mức tối thiểu (Minimum viable product – MVP), có một tập khách hàng của mình và bắt đầu có doanh thu đều đặn hàng tháng.

Giai đoạn Growth (Phát triển)

Nếu Startup đã vượt qua giai đoạn sớm thì khả năng thành công của startup là rất cao. 

Startup vào giai đoạn này có thể đã huy động được hàng triệu USD vốn, chứng minh được sản phẩm / dịch vụ đáp ứng được nhu cầu thị trường, có lượng khách hàng lớn và có những lời đề nghị mua lại từ các nhà đầu tư.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, startup giai đoạn này cần bước vào giai đoạn gọi vốn Series B và C.

Giai đoạn này startup cần vốn để tập trung vào tăng trưởng, thiết lập đội ngũ nhân sự hoàn chỉnh.

Giai đoạn Expansion (Mở rộng)

Giai đoạn tiếp theo (cũng là giai đoạn gắn bó cuối cùng của nhiều nhà sáng lập với Startup). Startup đã đạt được lợi nhuận và có khả năng hoạt động độc lập. Startup sẽ được chuyển lên tầm doanh nghiệp và không còn được coi là công ty khởi nghiệp nữa. Với mục tiêu thị trường lớn hơn, mục tiêu của startup là mở rộng hơn về thị trường.

Dấu hiệu của giai đoạn mở rộng của các startup là mức tăng trưởng hàng năm thường cao hơn 20%.

Giai đoạn Exit (Kết thúc)

Chúng ta sẽ nghe đến giai đoạn “thoái lui” của Startup nhiều hơn là Kết thúc. Giai đoạn này thực tế là tuỳ chọn đối với người Sáng Lập. Người Sáng Lập có thể quyết định tiếp tục hoặc “thoái lui” để tiếp tục với những Startup mới.

Có 3 cách chính để người Sáng Lập “Thoái lui”:

  • Bán cổ phần của người sáng lập cho người khác
  • Bán toàn bộ công ty cho đơn vị khác
  • Niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO)

Gọi vốn

Vậy là chúng ta đã biết được 6 giai đoạn phát triển của 1 startup. Vậy các startup được gọi vốn như thế nào? Sau đây danh sách các giai đoạn gọi vốn tương ứng với các thời kỳ của Startup:

Các vòng gọi vốn của startup

Gọi vốn giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed funding)

Là giai đoạn gọi vốn sớm nhất, sớm đến mức nhiều nhà sáng lập không đưa nó vào chu kỳ gọi vốn. Ở giai đoạn này, các nhà sáng lập làm việc với một nhóm rất nhỏ (thậm chí chỉ duy nhất nhà sáng lập) để phát triển các phiên bản thử nghiệm. Số tiền tài trợ cho giai đoạn này thường đến từ chính nhà sáng lập, bạn bè và gia đình, các nhà đầu tư thiên thần hoặc quỹ vườn ươm khởi nghiệp.

Nguồn vốn vào giai đoạn này thường không có mức cụ thể 

Gọi vốn giai đoạn hạt giống (Seed funding)

Đây là khoản vốn đầu tiên mà nhiều startup huy động – cho dù họ có tiếp tục tiến tới gọi vốn ở series A hay không. Nguồn vốn này được sử dụng để startup biến ý tưởng thành hiện thực ví dụ như: phát triển sản phẩm hoặc nghiên cứu thị trường.

Nguồn vốn này có thể được huy động từ gia đình, bạn bè, nhà đầu tư thiên thần, quỹ vườn ươm và các công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào các startup ở giai đoạn đầu. 

Giai đoạn này các startup có thể gọi được từ 500.000 USD tới 2 triệu USD tuỳ thuộc định giá của startup.

Series A funding

Khi startup vượt qua giai đoạn hạt giống và bước đầu đạt được những mục tiêu đề ra: số lượng khách hàng, doanh thu, lượt truy cập, lượt tải… và mong muốn để tiến đến một tầm cao mới, họ sẽ tham gia vòng gọi vốn Series A.

Trong vòng này, các startup sẽ phải có kế hoạch phát triển mô hình kinh doanh. Vốn huy động được sẽ phát triển và tăng doanh thu.

Thông thường 2 tới 15 triệu USD là số vốn startup huy động được, thế nhưng các nhà đầu tư cũng sẽ có những đòi hỏi cao hơn về các cam kết, yêu cầu tới startup, ở giai đoạn này các startup cần phải có định giá ở mức 10 đến 15 triệu USD.

Nguồn vốn ở giai đoạn này thường đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy nhiên 1 số startup cũng sử dụng phương thức huy động vốn từ cộng đồng cho vòng gọi vốn này.

Series B funding

Series B dành cho những startup mà sản phẩm / dịch vụ đã nhận được sự đón nhận của thị trường và sẵn sàng để mở rộng cả về quy mô số lượng khách hàng lẫn phát triển đội ngũ.

Ở vòng này, số vốn gọi được có thể từ 7 đến 10 triệu USD dành cho các startup có định giá từ 30 đến 60 triệu USD.

Series B thường được góp vốn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm đã tham gia cùng startup ở series A.

Series C funding

Các startup lọt vào giai đoạn gọi vốn series C là các startup đang hoạt động rất tốt và sẵn sàng mở rộng sang các thị trường mới, sản phẩm mới hoặc dự định mua lại các doanh nghiệp khác. Các startup series C thường đang trong quá trình mở rộng ra thị trường quốc tế, cũng có thể họ đang tìm cách tăng giá trị của mình trước khi tiến hành IPO hoặc được mua lại bởi các công ty khác.
Khi một công ty đã xây dựng được thương hiệu và được yêu thích trên thị trường thì lúc đó sự xuất hiện của các quỹ đầu tư tư nhân và Ngân hàng đầu tư. Những người này thường sẵn sàng rót vốn vào các công ty đã có thành công để đảm bảo vị thế của mình.
Các startup có thể gọi được trung bình 26 triệu USD ở vòng gọi vốn series C, ở vòng này các startup cần phải có mức định giá ở 100 đến 200 triệu USD.

Các vòng gọi vốn sau

Tuỳ vào chiến lược kinh doanh của các startup, series C có thể là vòng gọi vốn cuối cùng vì sau đó startup đã trở thành công ty lớn với mục tiêu vững vàng cũng như chiếm được thị phần lớn. Một số công ty tiếp tục với các vòng gọi vốn series E, F, G, tuy nhiên rất hiếm các startup đi đến các vòng gọi vốn này.

Phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) – Tiếp cận nguồn vốn xã hội

IPO là đỉnh cao nhất trong câu chuyện thành công của 1 startup. Cho phép startup huy động vốn từ các nhà đầu tư đại chúng. Với nhà sáng lập và những cổ đông đầu tiên của startup, đây là cơ hội để thu lại những khoản kếch xù cho chặng đường xây dựng startup thành công của mình.

Kết Bài

Mỗi năm có khoảng 5 triệu startups ra đời nhưng chỉ 40% tạo ra lợi nhuận và 50% startups thất bại sau 5 năm đầu tiên . Có thể thấy startups là một hành trình không hề đơn giản, thế nhưng nó lại đang là một hướng đi được rất nhiều người quan tâm và muốn trải nghiệm.

Leave a Reply